(Tiếp theo và hết)
Chung Tấn Hướng
3. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa Thường trực và các Ban của HĐND trong công tác thẩm tra.
Theo quy định, sau cuộc họp thẩm tra các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết, Ban của HĐND phải xây dựng báo cáo thẩm tra gửi cho Thường trực và đại biểu HĐND. Đối với những trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì Ban HĐND cần làm rõ những nội dung đó để báo cáo Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến (trước khi trình HĐND), sau đó Ban HĐND và cơ quan trình tiếp tục cân nhắc, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh văn bản trình kỳ họp.
Trên thực tế, nếu làm đúng trình tự đó sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi áp lực về công việc và thời gian chuẩn bị cho kỳ họp là rất lớn. Do vậy, trong nhiều năm qua Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cùng thống nhất phối hợp tổ chức chung hội nghị thẩm tra các văn bản trình kỳ họp. Tùy theo từng nội dung mà phân công một Ban chủ trì với sự tham gia đầy đủ các đồng chí trong Thường trực HĐND, các thành viên của Ban chủ trì và Trưởng, Phó của các Ban HĐND còn lại. Về phía cơ quan trình có đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND, đại diện cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan. Tại hội nghị, các đại biểu vừa được nghe ý kiến của các thành viên Ban chủ trì, ý kiến đại diện các Ban khác, vừa nghe Thường trực HĐND cho ý kiến về các nội dung trình, nghe ý kiến giải trình của cơ quan soạn thảo và cùng tranh luận làm sáng tỏ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất chung. Tại hội nghị này đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND sẽ trực tiếp có ý kiến tiếp thu những vấn đề phù hợp, xác đáng, chỉ đạo ngay việc điều chỉnh, bổ sung nội dung không phù họp để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh văn bản. Chính cách làm như vậy, nên vừa qua, hầu hết các nội dung khi trình kỳ họp đều được sự thống nhất rất cao của Thường trực và các Ban HĐND. Do đó, việc thống nhất cùng phối hợp tổ chức chung hội nghị thẩm tra với đầy đủ thành phần như vậy là rất có hiệu quả, vừa tập trung được trí tuệ của các Ban, vừa tranh thủ được sự thống nhất của các đồng chí lãnh đạo trong Thường trực HĐND – UBND, rút ngắn được thời gian thẩm tra, các vấn đề có ý kiến khác nhau được “giải quyết tại chỗ” với sự thống nhất của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình văn bản.
4. Phải xác định và thực hiện đúng yêu cầu, nội dung thẩm tra; thể hiện được tính phản biện của Ban HĐND tại hội nghị thẩm tra và báo cáo thẩm tra.
Tại hội nghị thẩm tra, phải tập trung xem xét tính pháp lý và tính khả thi của của các văn bản trình, như: xem xét sự cần thiết và thẩm quyền quyết định vấn đề; xem xét tính hợp pháp, tính thống nhất của nội dung với hệ thống pháp luật; xem xét sự phù hợp của nội dung với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nêu cụ thể những vấn đề thống nhất, không thống nhất, những vấn đề cần giải trình rõ thêm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau... Nội dung báo cáo thẩm tra phải thật súc tích và có sức thuyết phục, tập trung đánh giá tổng quát những mặt ưu điểm, những vấn đề phù hợp, đi sâu phân tích những vấn đề chưa thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề xuất giải pháp, phương án sửa đổi, bổ sung cụ thể... Điều cần lưu ý là tính phản biện không chỉ “phản bác” mà còn phải “hiến kế”, nếu thẩm tra chỉ nêu ý kiến “không thống nhất” hoặc “đề xuất chung chung”, không đề xuất cụ thể nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì không đủ sức thuyết phục đối với cơ quan soạn thảo và đại biểu HĐND cũng không đủ cơ sở để xem xét, quyết định về những đề xuất đó tại kỳ họp.
Sau hội nghị thẩm tra - khi nhận được các văn bản chính thức trình kỳ họp, Ban HĐND phải tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề còn bất cập, nếu có những nội dung “trái chiều” với kết luận của hội nghị thẩm tra thì trong báo cáo thẩm tra của Ban HĐND trình kỳ họp phải nêu rõ những vấn đề đó bằng những lý lẽ thuyết phục để làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Tóm lại: nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thường trực và các Ban HĐND. Những vấn đề có tính kinh nghiệm nói trên bước đầu được rút ra từ thực tiễn những việc làm được và chưa làm được trong công tác thẩm tra, cần được tiếp tục nghiên cứu, góp ý, bổ sung để làm cơ sở góp phần cho công tác thẩm tra của các Ban HĐND nhiệm kỳ mới đạt chất lượng và hiệu quả ngày càng cao hơn.